Du lịch siêu sang, với tên gọi tiếng Anh là "ultra-luxury tourism", "super-rich tourism" là phân thị du lịch cao cấp nhất mà mọi nền kinh tế du lịch trên thế giới đều mơ ước. Trong ngành du lịch Việt Nam, phân thị này gần đây đã bắt đầu được để ý và trong giới đầu tư du lịch đã bắt đầu có những cuộc trao đổi nghiêm túc. Còn anh Đặng Hiếu -Chủ tịch HĐQT Ana Marina (Dang Hieu) bạn tôi thì từ lâu đã bắt tay vào làm. Anh đã dành 10 năm đầu tư một bến du thuyền cao cấp nhất Việt Nam tại vị trí đắc địa nhất của biển Nha Trang. Tôi đã đến nhiều bến du thuyền trên thế giới và thấy Ana Marina của anh Hiếu còn cao cấp hơn nhiều nơi ở nước ngoài.

ana-marina-1617550567-1617676983.jpg

Ana Marina

Nhiều dự án du lịch biển ở Quảng Ninh, Đà Nẵng, Sài Gòn, Phú Quốc cũng sẽ có bến du thuyền. Có thể thấy ngành du lịch nước ta đang hướng tới du lịch siêu sang cho giới siêu giàu trên thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là đối tượng du khách khó chiều nhất trên đời. Việt Nam sẽ phải làm rất nhiều việc đồng bộ để thu hút được họ đến Việt Nam. Trước khi họ đến với doanh nghiệp A hay với doanh nghiệp B, họ phải nghĩ đến Việt Nam và quyết định đến Việt Nam thay vì đến nước khác. Cho dù có cao cấp đến đâu, những việc mà các chủ đầu tư riêng rẽ có thể đạt tới trong khuôn viên dự án của mình cũng không đủ để biến Việt Nam thành điểm đến du lịch siêu sang như Địa Trung Hải, Ca-ri-bê... Những điểm đến du lịch siêu sang cần nhiều yếu tố khác về môi trường du lịch.

Những du khách siêu giàu thường:

- Thích ở siêu dinh thự (một số người thích mua để sở hữu ở nơi họ muốn đến nhiều lần).

- Đi lại bằng máy bay riêng (private jet)

- Di chuyển giữa sân bay với điểm du lịch bằng trực thăng cấu hình VIP.

- Chơi du thuyền (để sẵn ở điểm đến hoặc điều tàu sang trước).

- Thích nghệ thuật (đặc biệt là hội hoạ).

- Thích hàng hiệu.

Họ cũng quan tâm đến những thứ khác mà phần đông du khách ít nghĩ đến, chẳng hạn nếu họ hoặc thành viên gia đình của họ bị ốm hay chẳng may bị tai nạn thì có máy bay y tế nhanh chóng đến chở họ đến bệnh viện quốc tế trong nước hoặc ra nước ngoài không? Rồi cả chuyện nhỏ nhặt như họ có được miễn visa không?

Tôi đã cùng một chủ doanh nghiệp du lịch đến một gia đỉnh giàu có ở San Francisco mời đi du lịch Việt Nam với một tour du lịch cao cấp (chưa phải siêu sang). Bà vợ cầm ra một tập đã in sẵn, chứng tỏ bà đã tìm đọc rất nhiều thông tin liên quan đến du lịch Việt Nam. Ông chồng thì sau khi nghe chúng tôi giới thiệu về Việt Nam và các dịch vụ, chỉ hỏi mỗi câu: "Tại sao chúng tôi không được miễn visa?". Chúng tôi chỉ biết trả lời: "Vì quy định của Việt Nam là thế". Ông bảo: "Tại sao chúng tôi không cần visa để đến Thái Lan, Singapore, Malaysia và hầu hết các nước khác, nhưng đến Việt Nam của các bạn lại cần xin visa?". Tôi biết họ không tiếc mấy chục USD lệ phí visa, đơn giản là họ không muốn có, không muốn nghĩ tới thủ tục đó như một mối bận tâm. Họ từ chối lời mời của chúng tôi. Họ chưa hỏi về trực thăng VIP để đi lại trong nội địa, máy bay y tế, chứ họ mà hỏi thì chúng tôi cũng đành làm họ thất vọng, ngoài chuyện visa.

Anh Hiếu từng hỏi tôi có khái niệm "địa du lịch" không, tôi nói theo tôi thì có và cụ thể về du lịch biển thì Việt Nam là điểm đến về du lịch biển quanh năm gần nhất đối với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga. Đó là các thị trường nguồn khổng lồ và nước ta có lợi thế địa lý. Nước ta cũng có nhiều lợi thế về thiên nhiên, văn hoá. Tôi nghĩ nếu như ở châu Á một nơi nào đó có thể trở thành điểm đến của du lịch siêu giàu như Địa Trung Hải, Ca-ri-bê... thì Việt Nam là ứng viên số 1.

Thế kỷ 21 là thế kỷ châu Á về thịnh vượng kinh tế. Nơi nào kinh tế thịnh vượng, người dân giàu lên thì nhu cầu du lịch cũng tăng mạnh, nên thế kỷ 21 cũng sẽ là thế kỷ của du lịch châu Á.

Chúng ta có làm được không, hay nhường cho Thái Lan cơ hội này?

Theo Lương Hòai Nam